Kệ sắt kho hàng

AI có thể giúp kiến ​​trúc sư kể chuyện hay hơn không?

Đây là bài viết của tác giả John Marx, nằm trong loạt bài tập trung vào chủ đề Kiến trúc trong Metaverse (hay còn được gọi là vũ trụ ảo. Đây là một không gian kỹ thuật số được tạo ra nhờ các ứng dụng công nghệ như AR – thực tế tăng cường, VR – thực tế ảo, Internet hay tiền điện tử,… Chúng cho phép người dùng sử dụng công nghệ thực tế ảo để tương tác và có trải nghiệm chân thực như ở ngoài đời), nhằm giúp cho bạn đọc hiểu rõ hơn về Metaverse và truyền tải những tiềm năng của lĩnh vực mới này cũng như những hạn chế của nó.

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang ở giai đoạn khởi đầu của việc tạo ra những thay đổi cơ bản trong cách chúng ta thiết kế và xây dựng các tòa nhà và thành phố. Một số những thay đổi này sẽ tạo ra sự bất ngờ và gây gián đoạn đối với hoạt động thiết kế thường lệ. Những người  khác sẽ mất nhiều thời gian hơn để nhận biết được hiệu quả của công nghệ mới này, nhưng những thay đổi này sẽ dần lan rộng. Khi kết hợp với Metaverse, AI cũng sẽ mang đến những cơ hội to lớn để nghề thiết kế mở rộng và phát triển. Ở một số khía cạnh, các kiểu không gian và môi trường do chúng ta thiết kế trong Metaverse sẽ rất khác so với những gì chúng ta đang thiết kế ở thế giới thực. AI phát triển mỗi ngày và chúng ta buộc phải học hỏi trong lúc chúng ta đang đổi mới. AI đã chứng minh nó là một công cụ mạnh mẽ trong việc hỗ trợ các nhà thiết kế và có khả năng thách thức chúng ta thay đổi quy trình thiết kế. Kết hợp AI với thiết kế kể chuyện là một trong những thách thức đó.

Bảo tàng rừng mưa. Photo: RAA

Dưới đây là nội dung John Marx phỏng vấn Michael Maggio, giám đốc Ralph Appelbaum Associates (RAA), văn phòng lớn nhất thế giới chuyên về quy hoạch, thiết kế các bảo tàng và  môi trường tường thuật (Môi trường tường thuật là một không gian, bất kể là vật lý hay ảo, trong đó các câu chuyện có thể diễn ra. Môi trường tường thuật vật lý có thể là khu vực triển lãm trong bảo tàng, tiền sảnh của không gian bán lẻ hoặc không gian công cộng xung quanh tòa nhà).

John đã quen biết Michael nhiều năm. Vào mùa hè năm 2021, John Marx đã dẫn đầu một đội ngũ gồm các nhà thiết kế và chuyên gia công nghệ tham gia cuộc thi thiết kế có giá trị lên đến 500 tỷ đô la. Chủ đề cuộc thi là thiết kế một cổng thông tin cho Metaverse và một thành phố lớn bao xung quanh nó. Hiểu biết cơ bản về tiềm năng của cổng thông tin là cơ hội khám phá thiết kế trải nghiệm. Trong nhóm đó, Michael là một chuyên gia về chủ đề này.

Trong quá trình làm việc cùng nhau, John chia sẻ rằng anh đã khám phá ra sự phong phú về tính nhân văn có thể đưa vào thiết kế môi trường thông qua thiết kế trải nghiệm, đặc biệt là thông qua việc sử dụng cách kể chuyện. Chủ đề tường thuật trong thiết kế kiến trúc đã gây tranh cãi từ khi Chủ nghĩa hiện đại xuất hiện. Michael đã giúp John nhận ra thiết kế tường thuật có thể đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc mở rộng khả năng tiếp cận cảm xúc của chúng ta tới những người trải nghiệm thiết kế.

Bảo tàng về một vùng lãnh nguyên. Photo: RAA

John Marx: “Với vai trò là người hành nghề kiến trúc và người thiết kế vì “ trải nghiệm”.  Trước tiên, anh thấy sự phát triển của AI có tác động như thế nào đến nghề nghiệp của mình?”

Michael Maggio:  “Sự ra đời của Trí tuệ nhân tạo (AI) đã mang lại những chuyển biến đáng chú ý trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau và nghề kiến trúc cũng không ngoại lệ. Sự ảnh hưởng của AI đối với kiến trúc đã thể hiện rõ thông qua những tác động quan trọng trong việc tối ưu hoá cách các kiến trúc sư phân tích, thiết kế và xây dựng các tòa nhà. AI cũng có thể giúp các kiến trúc sư xây dựng các cấu trúc tường thuật tốt hơn và tạo dựng nền tảng cho tác phẩm thực của chúng tôi. Việc xây dựng các công trình có khả năng truyền tải các câu chuyện cho phép thiết kế của chúng tôi vượt qua yếu tố thẩm mỹ và công năng.

Việc có một câu chuyện thú vị, cuốn hút làm nền tảng cho thiết kế giúp các kiến trúc sư mơ về những tòa nhà mang tính giáo dục chúng ta về quá khứ và tạo ra không gian để suy ngẫm về tương lai. ”

Bảo tàng về một vùng lãnh nguyên. Photo: RAA

JM: “Công việc của anh là thiết kế cho du khách các trải nghiệm trong các bảo tàng, giáo dục công cộng và các điểm vui chơi giải trí. Anh có thể mô tả cách anh ứng dụng “tường thuật trải nghiệm” (tường thuật trải nghiệm là hình thức kể chuyện về những gì một người đã trải qua trong một sự kiện cụ thể) trong bối cảnh công việc của mình không?”

MM: ” Tường thuật là một yếu tố có tác động mạnh và thiết yếu trong thiết kế của chúng tôi. Nó vượt qua ranh giới của nhiều lĩnh vực sáng tạo khác nhau bao gồm: thiết kế đồ họa, kiến trúc, thiết kế sản phẩm và trải nghiệm người dùng. Nó là yếu tố cốt lõi của việc thiết kế lấy con người làm trung tâm, có thể gắn kết tính thẩm mỹ và công năng thành một tổng thể mạch lạc và có ý nghĩa.

Tác động đầu tiên và quan trọng nhất là câu chuyện cung cấp bối cảnh. Nó mang đến cho người dùng hoặc người xem có sự kết nối với một câu chuyện nhằm thúc đẩy sự gắn kết về mặt cảm xúc sâu sắc hơn. Cho dù đó là việc nhận diện hình ảnh của thương hiệu, cách bố trí không gian trưng bày trong bảo tàng hay giao diện của một ứng dụng kỹ thuật số. Một câu chuyện được xây dựng khéo léo sẽ giúp truyền tải được mục đích và ý nghĩa, làm cho mọi người dễ dàng liên tưởng và hiểu được thông điệp mà tác phẩm muốn đề cập đến.

Kiến trúc sư có thể sử dụng thiết kế tường thuật để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu giữ thông tin. Mọi người nhớ đến những câu chuyện tốt hơn nhiều so với những sự kiện hoặc hình ảnh riêng biệt. Với cách tạo dựng một thiết kế xoay quanh một câu chuyện. Các nhà thiết kế có thể nâng cao khả năng ghi nhớ của mọi người về những thiết kế của họ, cho dù đó là một logo, tòa nhà hay trang web. Điều này hỗ trợ  hiệu quả cho việc giao tiếp và để lại ấn tượng lâu dài. ”

Bảo tàng rừng mưa. Photo: RAA

JM: “Kiến trúc sư là những người thiết kế các công trình có tính chất vật lí, hữu hình. Vậy tính thẩm mỹ, vật liệu và tạo hình có ảnh hưởng đến câu chuyện không ?”

MM: ” Thiết kế tường thuật cho phép chúng ta đổi mới. Nó khuyến khích các nhà thiết kế suy nghĩ một cách tổng thể, xem xét đến cách kết hợp các yếu tố khác nhau để kể một câu chuyện mạch lạc. Với cách tiếp cận này thường tạo ra những ý tưởng, giải pháp mang tính đột phá và vượt qua những thứ thông thường và tạo ra những trải nghiệm đáng nhớ.

Cuối cùng thì tầm quan trọng của câu chuyện trong thiết kế nằm ở khả năng kết nối với mọi người ở mức độ sâu hơn. Nó làm cho các thiết kế trở nên dễ hiểu, đáng nhớ và có tác động mạnh hơn đến khách tham quan. Hình thức và tính thẩm mỹ là các yếu tố rất cần thiết sau cùng, nó làm cho khách tham quan bắt gặp câu chuyện trong thế giới vật chất. Tuy nhiên, đó không chỉ là vấn đề về thẩm mỹ mà còn là việc tạo dựng nên một câu chuyện hấp dẫn nhằm gây được tiếng vang với khán giả. Biến một thiết kế trở thành một hành trình đáng nhớ và đầy ý nghĩa. Các kiến trúc sư có một công cụ mới để hỗ trợ cho họ trong việc chuyển tải các từ ngữ sang môi trường vật chất hữu hình. Các chương trình chuyển văn bản thành hình ảnh sử dụng lời nhắc văn bản để trực quan hóa quang cảnh. Hãy tưởng tượng đến việc viết kịch bản cho một hành trình mà có tác động mạnh mẽ đến khách tham quan và tạo ra bảng phân cảnh kiến trúc bằng cách sử dụng các chương trình AI như MidJourney. Khoảng cách từ văn bản mô tả đến trực quan hóa kiến trúc đã được rút ngắn và tạo ra một vòng lặp phản hồi thông tin nhanh hơn. ”

Bảo tàng rừng mưa. Photo: RAA

JM:  “Có một cách suy nghĩ về sự phát triển của AI đó là, nó là một công cụ có thể hỗ trợ mạnh mẽ trong việc khắc phục điều mà trước đây được xem là điểm yếu của kiến trúc sư. AI giúp tăng cường khả năng sử dụng tính tường thuật trong thiết kế kiến ​​trúc để kể một câu chuyện vượt qua quá trình tạo hình của kiến ​​trúc sư. Anh có thể cho chúng tôi biết thêm về điều này được không ?”

MM: “Những câu chuyện đáng nhớ đều có phần mở đầu, phần giữa và phần kết thúc rõ ràng. Kiến trúc có thể kể những câu chuyện thông qua hình thức, bố cục, vật liệu và những chi tiết. Câu chuyện này có thể dựa trên lịch sử của địa điểm, một nền văn hóa rộng lớn hơn hay một câu chuyện nói về xã hội.

Giả sử chúng tôi muốn thể hiện những câu chuyện về con người thông qua những tòa nhà mà chúng tôi thiết kế. Trong trường hợp đó, với vai trò là kiến trúc sư, chúng tôi phải có một câu chuyện về kiến trúc xuyên suốt tòa nhà. Ngoài ra, câu chuyện còn phải xem xét đến những yếu tố khác như trải nghiệm vật lý diễn ra như thế nào đối với người cư trú hoặc người sử dụng tòa nhà. Họ sẽ tương tác với không gian như thế nào? Nó sẽ khiến họ cảm thấy thế nào? Tòa nhà kết nối với từng người dùng như thế nào? Liệu họ có nhớ trải nghiệm đó trong tương lai hay không?”

Bảo tàng của biến đổi khí hậu. Photo: RAA

JM: “AI giúp kiến trúc sư đạt được những yếu tố kể chuyện mà anh đã mô tả như thế nào?”

MM: “AI cung cấp nhiều công cụ và các chức năng nhằm cải thiện yếu tố tường thuật trong thiết kế kiến trúc. AI thu thập dữ liệu thống kê có thể được sử dụng để xác định những thứ hấp dẫn, có tính thuyết phục. Các công cụ được phát triển từ AI như ChatGPT, Mid Journey và các công cụ AI khác có chức năng sáng tạo hình ảnh có thể ngay lập tức tạo ra những câu chuyện được liên kết với nhau bằng hình thức và chất liệu vật lý. Thông qua việc áp dụng các công cụ hỗ trợ này, kiến trúc sư có thể tạo ra những câu chuyện hấp dẫn, hữu ích và có ý nghĩa hơn nhằm tìm cách thể hiện về mặt vật chất, nhìn chúng dưới góc độ như một cuộc hành trình hoành tráng đang diễn ra trong thế giới vật chất.”

JM: “Nghe có vẻ như anh đang chuyển đổi vai trò của người kiến trúc sư trở thành đạo diễn cho một bộ phim truyện?”

MM: “Các mô hình xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing-NLP) của ChatGPT có thể hỗ trợ cho các kiến trúc sư viết lên những câu chuyện thiết kế hấp dẫn. Những chương trình hình ảnh sáng tạo như MidJouney và DALL-E của OpenAI có thể tạo ra bảng phân cảnh theo từng khung hình nhằm xây dựng nền tảng cho việc thể hiện nội dung.

Do vậy chúng ta nên đóng vai trò như những người kể chuyện và đạo diễn nhiều hơn, khi các tòa nhà của chúng ta mang đến một câu chuyện dễ tiếp cận, có ý nghĩa và đáng nhớ với khách hàng. ”

Bảo tàng của biến đổi khí hậu. Photo: RAA

JM: “Với vai trò là kiến trúc sư, AI có cung cấp những công cụ mà chúng ta có thể cần để định hướng thế giới trong vũ trụ ảo không? Điều gì xảy ra khi những giới hạn của thế giới vật chất bị loại bỏ ? Kiến trúc sư có còn giữ được công việc của mình hay không?”

MM: “Chắc chắn là có! Vũ trụ ảo cần các kiến trúc sư thiết kế nên những hành trình có tính tường thuật lấy con người làm trung tâm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự tương tác của khách tham quan. Chủ nghĩa tượng trưng và ẩn dụ phải được truyền tải vào thiết kế của chúng ta, phải có ý nghĩa sâu sắc hơn và có thể tượng trưng cho các ý tưởng hoặc khái niệm, tạo ra ẩn ý phong phú cho trải nghiệm ảo.

Việc chuyển giao trải nghiệm cá nhân của con người sang sáng tạo kiến trúc trong vũ trụ ảo có khả năng khơi gợi những phản ứng cảm xúc từ những người trải nghiệm không gian do chúng ta tạo ra. Cảm xúc là một cách mạnh mẽ để tạo nên ý nghĩa trong kiến trúc vật lý hoặc ảo.

Chúng ta phải tìm cách thấm nhuần thế giới ảo bằng việc lấy những trải nghiệm đích thực của con người làm nền tảng, cung cấp thông tin cho quá trình sáng tạo nên câu chuyện. Việc chuyển tải câu chuyện thành những hành trình ảo qua các địa điểm cho phép chúng ta tạo ra một kiến trúc đồng cảm trong thế giới ảo.”

Bảo tàng của biến đổi khí hậu. Photo: RAA

JM: “Cảm ơn Michael vì đã khám phá ra tiềm năng của AI như một công cụ để cải thiện các không gian do chúng tôi thiết kế cho mọi người trên khắp thế giới và sắp tới là trong Metaverse. Tương lai đang phát triển trước mắt chúng ta và theo một cách nào đó, tốc độ phát triển lại quá nhanh để chúng ta có thể  bắt kịp. Tôi đặc biệt thích thú với những nhận xét của anh về cách chúng ta có thể sử dụng AI để tạo ra nhiều không gian đồng cảm hơn… điều này có vẻ như đi ngược với trực giác khi mà có sự trợ giúp của máy móc trong quá trình thiết kế. “

Theo Anh Tuấn (Biên dịch từ Archdaily)/ KienViet


Chú thích: 

(*) John Marx, AIA, người sáng lập, kiến trúc sư chủ trì và là giám đốc nghệ thuật của văn phòng kiến trúc Form4. Một văn phòng có trụ sở tại San Francisco từng đoạt các giải thưởng cho các thiết kế nổi bật. Văn phòng của ông chuyên thiết kế các tòa nhà, khuôn viên và nội thất cho các công ty công nghệ ở Bay Area (Vịnh San Francisco) như Google và Facebook và nhiều công ty khác. Năm 2000-2007, Marx đã dạy một khóa về chủ đề tạo vị trí trong không gian mạng tại Đại học California, Berkeley. Vào năm 2020, ông thiết kế dự án đầu tiên của mình trong Metaverse (vũ trụ ảo) dành cho Burning Man: Bảo tàng không có khán giả. Năm sau đó, John Marx đã dẫn đầu  một nhóm thiết kế chịu trách nhiệm tạo ra một cổng thông tin trị giá 500 tỷ USD cho Metaverse (vũ trụ ảo).

Michael Maggio – Chủ nhiệm, Giám đốc Điều hành MENA Operation, Hiệp hội Ralph Appelbaum (RAA)

Niềm đam mê của Michael và hơn 20 năm kinh nghiệm với tư cách là kiến trúc sư và nhà giáo dục đã khẳng định vai trò của anh ở vị trí là chủ nhiệm, giám đốc điều hành tại MENA Operation tại RAA. Michael đã chỉ huy thực hiện các dự án phức tạp nhất của RAA trong khu vực MENA. Công việc của anh là thực hiện chiến lược dự án và định hướng sáng tạo, tận dụng các nguyên tắc thiết kế kiến trúc và đa phương tiện để thể hiện các nhiệm vụ và mục tiêu do khách hàng đặt ra hướng tới đáp ứng nhu cầu của khán giả. Anh ấy xuất sắc trong việc kết hợp  các nhóm sáng tạo liên ngành gồm kiến trúc sư, nhà thiết kế, người giám tuyển (người phụ trách việc tuyển chọn các tác phẩm), nhà sản xuất và giám đốc điều hành. Quá trình đào tạo của Michael với vai trò là một kiến trúc sư và hơn mười năm làm việc trong lĩnh vực này, anh đã hình thành nên quan điểm về trải nghiệm của du khách, quá trình tạo dựng và tích hợp trải nghiệm tường thuật và văn hoá vào môi trường xây dựng.

Hiệp hội Ralph Appelbaum

Gần nửa thế kỷ trước, Hiệp hội Ralph Appelbaum (RAA) đã đi tiên phong trong phương pháp học tập mới ở nơi công cộng. Đây hiện là đơn vị lớn nhất thế giới chuyên về quy hoạch và thiết kế bảo tàng cũng như môi trường kể chuyện. Hiệp hội làm việc theo ủy ban thuộc mọi quy mô để sử dụng không gian vật lý làm phương tiện giao tiếp và đối thoại. Các dự án đã và đang thực hiện có hơn 850 dự án ở 52 quốc gia, bao gồm nhiều điểm tham quan văn hóa dễ nhận biết nhất trên thế giới. Tổ chức này có niềm tin rằng sự trải nghiệm có tính kết nối và biến đổi trong không gian công cộng là điều cần thiết đối với các cá nhân, cộng đồng, thành phố và quốc gia. Kể từ khi thành lập vào năm 1978, công việc của RAA đã được vinh danh với mọi giải thưởng lớn về thiết kế và truyền thông, bao gồm cả Giải thưởng Thiết kế Quốc gia lần đầu tiên về thiết kế truyền thông. Mỗi năm có khoảng 75.000.000 khách tham quan đến các dự án do RAA thiết kế.